Chương trình cấp chứng nhận của Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) giúp người nông dân và doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất gỗ thông thường sang những mô hình bền vững hơn. Tại Việt Nam, gỗ có chứng nhận FSC được bán với giá cao hơn từ 15% đến 20% so với gỗ không có chứng nhận. Kể từ tháng 9/2018, Dự án Trường Sơn xanh do USAID tài trợ đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) nhằm cải thiện sinh kế cho người nông dân thông qua sản xuất gỗ có chứng nhận FSC, giúp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở các khu vực miền núi và vùng cao.
Ngày 25/8, dự án đã cùng với các nhân viên của QNAFOR tổ chức buổi hội thảo tổng kết trực tuyến về thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC. Tại hội thảo, các kết quả quan hệ đối tác giữa USAID và QNAFOR cũng được trình bày, trong đó có (1) 56 sự kiện đào tạo-tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc gỗ lớn được FSC thông qua cho 1.680 hộ gia đình (xấp xỉ 40% phụ nữ tham gia và 42% hộ gia đình dân tộc thiểu số); (2) 57 sự kiện đào tạo-tập huấn về các kỹ thuật tỉa thưa rừng cho 1.720 hộ gia đình (với 30% phụ nữ tham gia); (3) USAID cung cấp 1.570.000 cây giống Keo giúp 333 hộ gia đình có thể bắt đầu trồng rừng trên diện tích hơn 850 hecta; và (4) khu bảo tồn của QNAFOR rộng hơn 1.580 hecta do 432 hộ gia định quản lý thông qua trồng rừng ngắn và dài hạn. Dự án Trường Sơn xanh cũng hỗ trợ tập huấn cho 6 nhân viên cốt cán của QNAFOR để họ có thể hỗ trợ người dân trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của chứng nhận FSC.
Hoạt động này có ý nghĩa gì? Hỗ trợ của dự án đối với các hộ gia đình đang quản lý rừng trong việc trồng gỗ lớn có chứng nhận FSC giúp cải thiện chất lượng rừng, ổn định thu nhập và bảo vệ môi trường, góp phần vào những nỗ lực quản lý rừng bền vững của Việt Nam.