Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước là các địa phương có hàng chục ngàn hecta rừng trồng cây keo nguyên liệu.

Tuy nhiên, với cách trồng thông thường đã không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Với mục tiêu giúp người trồng rừng tăng thu nhập và nâng cao năng lực về quản lý rừng bền vững, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) phối hợp với Dự án Trường Sơn Xanh triển khai tiểu dự án “Thúc đẩy Trồng rừng gỗ lớn bền vững theo tiêu chí FSC® tại 3 địa phương này.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam đã tổ chức buổi tập huấn về kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, tỉa thưa rừng trồng và quản lý rừng bền vững do các Chuyên gia lâm nghiệp hướng dẫn cho người dân xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn. Sau phần lý thuyết, bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng mới và cách tỉa thưa giúp cây phát triển tốt, đạt năng xuất cao. Theo các chuyên gia: “ Với kỹ thuật này, một hécta cây keo 7 - 8 năm sẽ cho thu hoạch từ 180 - 250 tấn/ha”. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi hécta sẽ lãi từ 150 - 200 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng rừng thông thường.Chị Nguyễn Thị Bảy, thôn 10, xã Phước Hiệp cho biết: Trước đây người dân chúng tôi trồng rừng từ giống keo gieo hạt, vì  chất lượng giống kém, thu hoạch chỉ toàn là keo gỗ nhỏ, chỉ bán làm “dăm”, nên thu nhập thấp. Qua đợt tập huấn này, chúng tôi hiểu và biết cách chọn cây giống có chất lượng tốt hơn và mật độ trồng thưa đem lại hiệu quả cao hơn so với trước đây.

Kỹ sư Nguyễn Trung Tín, cán bộ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam nói:  Mục đích chính là nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng của bà con lên, thay đổi tập quán canh tác trước đây, chuyển từ trồng rừng nguyên liệu để làm “dăm”, sang trồng rừng chu kỳ dài, sản xuất gỗ lớn. Để trồng rừng gỗ lớn hiệu quả, thì bà con cần chọn nguồn giống có chất lượng, thêm nữa cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, như mật độ trồng và chế độ chăm sóc hợp lý thì rừng sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn ở nhiều nơi khác đã đem lại lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 3 lần cho người dân. Riêng đối với chuyển hóa rừng trồng thông thường sang rừng trồng gỗ lớn, các chủ rừng không chỉ giảm được thời gian chăm sóc, phát dọn thực bì, mà có thể tận dụng cây nhỏ trong quá trình tỉa thưa để bán, có thêm thu nhập.

Anh Nguyễn Năm, Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam cho biết thêm: “Đây là rừng keo 4 -5 năm tuổi, do trồng dày quá nên nhiều cây chết, nên mình phải tỉa thưa để những cây còn lại phát triển. Như mình trồng rừng thông thường thì đến năm thứ 5 mình bán, sau đó là trồng lại, còn riêng biện pháp chuyển hóa thì đến năm thứ 5 mình chỉ cần chăm sóc thêm 1 lần, giảm chi phí ( phát dọn, trồng, mua cây giống)nhưng đến cuối chu kỳ khai thác thì trữ lượng rừng sẽ tăng, và giá trị gỗ cũng tăng,giúp nâng cao giá bán.

Ông Võ Tấn Ninh, thôn 1, xã Tiên An, huyện Tiên Phước chia sẽ: “Hồi xưa đến nay, việc trồng rừng với mật độ dầy hay thưa, cái nào đem lại lợi ích kinh tế cao hơn là tôi không biết. Đến khi được tập huấn thì tôi hiểu được rừng của tôi trồng quá dầy, nên cây nhỏ cho năng suất thấp. Bây giờ hiểu được rồi tôi sẽ trồng thưa ra từ 2,5m – 3m/cây, tuy thời gian thu hoạch lâu hơn nhưng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty, tôi hy vọng khi áp dụng vào việc trồng rừng gỗ lớn sẽ bán gỗ  được giá cao hơn”

Trong mục tiêu của dự án, Công ty QNAFOR và Dự án Trường Sơn Xanh sẽ hướng tới trồng mới 860 ha rừng keo gỗ lớn và chuyển đổi 1.500 ha rừng keo 4-5 tuổi sang rừng keo gỗ lớn. Tổng vốn đầu tư lên tới 61,19 tỉ đồng, góp phần cải thiện sinh kế cho 3.400 hộ dân. Và mục tiêu này đang được chính quyền các địa phương ủng hộ.

Ông Nguyễn Quảng, PCT. UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Thời gian đến, huyện Phước Sơn sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện hiện có hơn 9.000 ha cây keo, đây là số diện tích mà Phước Sơn dự kiến sẽ đưa vào thực hiện chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, theo lộ trình hàng năm”

Kỹ sư Nguyễn Trung Tín chia sẽ thêm: Khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, bà con sẽ được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường, giúp ổn định tiêu thụ sản phẩm gỗ. Ngoài ra, nếu rừng được cấp chứng chỉ FSC® thì gỗ có thể được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Ưu tiên lợi ích của người trồng rừng, Công ty sẽ thoả thuận hợp tác theo hai phương án: “ Người dân trồng rừng trên diện tích đất do Công ty quản lý, Công ty sẽ đầu tư một phần chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn FSC®. Nhưng người dân là chủ sở hữu của sản phẩm gỗ, và cam kết bán lại cho Công ty. Hai, người dân trồng keo trên chính diện tích đất của mình, Công ty đầu tư một phần, hoặc toàn bộ chi phí sản xuất, người dân cam kết bán sản phẩm cho công ty và hoàn trả lại các chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, Công ty còn có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn phù hợp với những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Sự phối hợp giữa Công ty QNAFOR và Dự án Trường Sơn Xanh cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp trong việc bắt kịp xu hướng về gỗ xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, hoạt động này sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành mục tiêu mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt hơn 40.000 ha vào năm 2025./.

Trọng Ý – Anh Tuấn (Theo Cổng thông tin điện tử huyện Phước Sơn)