DỰ ÁN :
"Thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn bền vững theo tiêu chí FSC nhằm tăng thu nhập cho người dân trồng rừng và công ty chế biến gỗ đồng thời góp phần vào việc tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm lượng phát thải khí CO2” - Mục đích của dự án: tăng thu nhập và phát triển sinh kế cho người dân trồng rừng; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường
- Địa điểm thực hiện: trên 17 xã của 3 huyện Phước Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam.
- Thời gian thực hiện: Từ 21/9/2018 – 31/8/2020
- Tổ chức trao tài trợ: Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ (ECODIT)
- Kinh phí Dự án: Tổng mức đầu tư là: 61.200.698.083 VNĐ. Trong đó:
+ Ngân sách tài trợ từ DA Trường Sơn Xanh là: 6.709.265.800 VNĐ
+ Nguồn lực huy động bổ sung: 54.491.432.283 VNĐ. (Đóng góp của người dân bằng công lao động, chi phí của doanh nghiệp)
I. Mục tiêu của dự án:
1. Mục tiêu chung
- Nhằm tăng thu nhập và phát triển sinh kế cho người dân trồng rừng theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ lớn FSC ở vùng cao và miền núi, đặc biệt là những người dân sống trong vùng đệm của rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Cung cấp cây giống để trồng 860 ha rừng keo theo tiêu chuẩn FSC.
- Hỗ trợ chuyển hóa 1.500 ha diện tích rừng keo từ ngắn hạn (4-5 năm tuổi) sang dài hạn (hơn 8 năm tuổi) theo tiêu chuẩn FSC.
- Tổ chức tập huấn cho 3.400 người/113 lớp về kỹ thuật trồng cây gỗ lớn và tỉa thưa theo các tiêu chuẩn FSC.
- Xây dựng mối qua hệ đối tác lâu dài với các nhóm người dân có tổ chức (nhóm hộ trồng rừng có quy mô nhỏ và các hợp tác xã) để xác định vai trò và trách nhiệm của các bên thông qua các thỏa thuận chính thức.
- Nâng cao thu nhập của ít nhất 3.400 hộ gia đình ở các khu vực mục tiêu tại các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước.
- Tăng cường năng lực quản lý rừng bền vững của Công ty QNAFOR và người dân trồng rừng theo các tiêu chuẩn FSC.
- Huy động được nguồn lực đầu tư với tổng vốn là 54.491.432.283 VNĐ.
II. Kế hoạch triển khai và kết quả thực hiện của dự án
1. Tập huấn
1.1 Tập huấn về trồng rừng và chăm sóc rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC:
- QNAFOR đã tổ chức 56 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng trồng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn FSC cho 1.680 hộ dân (Nam: 1028, Nữ: 652) trong đó 981 hộ là người kinh và 699 hộ là người dân tộc M'Nông (Giẻ Triêng) thuộc 17 xã thuộc 3 huyện Phước Sơn, Tiên Phước và Hiệp Đức, thời gian bắt đầu các lớp tập huấn từ ngày 05/11/2018 – 18/02/2020 do Ông Dương Tấn - Giảng viên chính và Ông Nguyễn Trung Tín - Trợ giảng phụ trách.
- Sau khi kết thúc khóa tập huấn, đa số người dân đã nắm được các kiến thức và kỹ thuật liên quan đến việc chọn giống, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng trồng gỗ lớn. Từ đó, người dân có thể từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống và thực hiện trồng rừng theo hướng dẫn kỹ thuật đã được tập huấn
1.2 Tập huấn về kỹ thuật tỉa thưa chuyển hóa rừng theo tiêu chuẩn FSC:
- QNAFOR tổ chức 57 lớp tập huấn về kỹ thuật tỉa thưa, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt tiêu chuẩn FSC tại 12 xã thuộc 3 huyện Phước Sơn, Tiên Phước và Hiệp Đức, thời gian bắt đầu tập huấn từ ngày 08/11/2018 – 17/02/2020. Khóa tập huấn có 1.720 hộ dân tham gia (1221 nam và 499 nữ) đều là người dân tộc kinh. Khóa học do Ông Nguyễn Năm - giảng viên và Ông Nguyễn Văn Nhật Hải trợ giảng phụ trách
- Đa số hộ dân đều cảm thấy hài lòng với sự cần thiết của việc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến cho người dân hiểu được sự cần thiết và lợi ích của việc chuyển hóa rừng trồng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
2. Cung cấp cây giống Keo chất lượng cao để trồng rừng.
- Tiếp nhận cây giống từ Dự án, QNAFOR phối hợp cùng UBND các xã thuộc 3 huyện Phước Sơn, Tiên Phước và Hiệp Đức đã tổ chức cấp cây giống Keo lai nuôi cấy mô chất lượng cao cho các hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn xã. Qua 2 đợt, QNAFOR cung cấp được 1.570.360 cây với tổng diện tích 860 ha/333 hộ dân tham gia trồng rừng.
- Sau khi nhận cây giống keo lai nuôi cấy mô đem trồng, hầu hết người dân đã phản ánh: Hiện tại cây trồng sinh trưởng tốt, hơn hẳn so với các giống khác như: keo tai tượng, keo lá tràm sản xuất từ hạt, keo lai hom...
3. Tổ chức tỉa thưa, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn
- Sau khi tập huấn nâng cao năng lực, nhân viên của QNAFOR tổ chức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, thúc đẩy người dân chuyển hóa rừng, sau đó tiến hành nghiệm thu trước khi chi tiền hỗ trợ nhân công tỉa thưa cho người dân.
- Đến nay qua 7 đợt, với sự hướng dẫn và thức đẩy của QNAFOR, người dân tổ chức tỉa thưa với diện tích là 2.634,45 ha/503 hộ, kết quả có 1.581,73 ha/432 hộ thực hiện đạt yêu cầu.
4. Tổ chức làm chứng chỉ rừng FSC
- Dự án Trường Sơn Xanh đã tổ chức nâng cao năng lực cho nhân viên QNAFOR, hộ dân và nhóm hộ thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó QNAFOR làm quản lý nhóm tại địa bàn 10 xã thuộc các huyện: Tiên Phước và Hiệp Đức.
+ Dự án tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao năng lực, 12 cuộc hội thảo và họp quý tại 10 xã thuộc 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức
+ Dự án còn hỗ trợ QNAFOR xây dựng Sổ tay và PA QLRBV cho 10 nhóm hộ, cùng với đó xậy dựng truyền thông về FSC.
- Đến nay, có khoảng 1.959 ha/10 nhóm hộ/320 hộ tham gia, toàn bộ diện tích này đã được Dự án phối hợp cùng QNAFOR đánh giá nội bộ nhằm phát hiện những lỗi nhỏ, lỗi lớn, từ đó bàn biện pháp đóng lỗi. Đánh giá nội bộ nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho QNAFOR trong việc thực hiện Phướng án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
- Với năng lực đã được trang bị, QNAFOR tiếp tục kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô diện tích, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể đánh giá chính thức chứng chỉ rừng vào cuối năm 2020.
5. Truyền thông
- QNAFOR đã phối hợp với các tổ chức truyền thông, làm phim tư liệu tuyên truyền về Dự án trên đài truyền hình (QRT), thông qua truyền thông, người dân hiểu thêm về chất lượng cây giống ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng, về kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, giá trị kinh tế, xã hội và môi trường do trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng mang lại. Qua 3 đợt truyền thông với tổng kinh phí là: 174.300.000 đồng.
Nội dung chi tiết của phóng sự được thể hiện trang website:
1. http://qrt.vn/index.php?option=com_video&task=101
2. http://qrt.vn/qti-video/thoi-su-28-12-2019/
3.http://qrt.vn/qti-video/thong-tin-ve-cong-tac-quan-ly-bao-ve-va-phong-chay-chua-chay-rung-19-8-2020/